NGHĨ GIÀU LÀM GIÀU - CHƯƠNG 6: LẬP KẾ HOẠCH ~ PHAN NGỌC LỢI

NGHĨ GIÀU LÀM GIÀU - CHƯƠNG 6: LẬP KẾ HOẠCH





KHÁT VỌNG KẾT TINH

 THÀNH HÀNH ĐỘNG

Bước làm giàu thứ sáu



Bạn biết mọi thứ do con người tạo ra hay có được đều bắt đầu dưới hình thức của một khát vọng. Khát vọng đó chỉ là giai đoạn trong chuyến đi du hành từ cái trừu tượng đến cái cụ thể.Những kế hoạch giúp chuyển cái trừu tượng đến cái cụ thể đó được thực hiện trong xưởng làm việc của trí tưởng tượng.
            Trong Chương 1, bạn đã được hướng dẫn thực hiện sáu bước làm giàu rất rõ ràng và thực tế giúp biến khát vọng thành tiền bạc. Một trong những bước này là sự hình thành của một hay nhiều kế hoạch để thực hiện bước chuyển hóa trên.
            Sau đây bạn sẽ được hướng dẫn một cách cơ bản để xây dựng những kế hoạch thực tế.
(a)   Liên kết bản thân bạn với một nhóm càng nhiều người bạn càng tốt để hình thành và thực hiện kế hoạch tích lũy tiền bạc của bạn, sử dụng những nguyên tắc “trí tuệ ưu tú”(sẽ được miêu tả trong chương 9). Làm theo hướng dẫn này là hoàn toàn cần thiết. Đừng xao lãng việc đó.
(b)  Trước khi thành lập liên minh “ Trí tuệ ưu tú”, hãy xác định xem lợi ích nào bạn mang đến cho mỗi thành viên trong nhóm để đổi lấy sự hợp tác của họ. Không ai làm việc hết mình nếu không có những phần thưởng xứng đáng dành cho những người đó, dù cho phần thưởng không phải lúc nào cũng phải là tiền bạc.
(c)   Cố gắng sắp xếp để gặp gỡ các thành viên của nhóm “Trí tuệ ưu tú” của bạn ít nhất hai lần một tuần, và thường xuyên hơn nữa nếu có thể, cho đến khi các bạn đã cùng nhau hoàn thiện một hay nhiều kế hoạch cần thiết để tích lũy tiền bạc.
(d)  Hãy duy trì sự hòa hợp tuyệt đối giữa bản thân và mỗi thành viên trong nhóm “Trí tuệ ưu tú” của bạn. Nếu bạn không làm theo đúng những hướng dẫn này, bạn có thể gặp thất bại. Nguyên tắc “Trí tuệ ưu tú” không thể tồn tại ở những nơi sự hòa hợp tuyệt đối không chiếm ưu thế hoàn toàn.
            Hãy lưu ý những điều sau đây:
            Thứ nhất: Bạn phải gánh vác những nhiệm vụ rất quan trọng. Để chắc chắn gặt hái những thành công, bạn cần có những kế hoạch hoàn hảo.
            Thứ hai: Bạn phải có lợi thế về kinh nghiệm, kiến thức, năng lực bẩm sinh và trí tưởng tượng phương pháp mà những người cực kỳ giàu có và thành đạt đã sử dụng.
            Không cá nhân nào có đủ kinh nghiệm, kiến thức, năng lực bẩm sinh để đảm bảo có thể tích lũy được một số tiền lớn mà không có sự hợp tác của những người khác. Mỗi kế hoạch mà bạn lựa chọn trong nỗ lực tích lũy tiền bạc, nên là sản phẩm chung của bạn và các thành viên khác trong nhóm “Trí tuệ ưu tú”. Bạn có thể bắt đầu kế hoạch của bạn, dù cho tổng thể hay cục bộ, nhưng phải đảm bảo những kế hoạch đó đã được thẩm định của những thành viên trong nhóm liên minh “Trí tuệ ưu tú”.

NÚ KẾ HOẠCH ĐẦU TIÊN THẤT BẠI – HAY THỬ MỘT KẾ HOẠCH KHÁC!

            Nếu kế hoạch đầu tiên bạn chọn không mang lại hiệu quả, hãy thay nó bằng mọt kế hoạch mới; nếu kế mới cũng thất bại, tiếp tục thay thế bằng kế hoạch khác nữa và cứ thế cho đến khi bạn tìm ra một kế hoạch mang lại đến hiệu quả tốt nhất trong công việc. Đây chính là điểm mà phần đông những người thất bại không thực hiện bởi họ thiếu lòng kiên trì để tạo nên những kế hoạch thay cho những cái cũ đã thất bại.
            Người thông minh nhất cũng không thể thành công trong lĩnh vực tích lũy tiền bạc hay bất cứ công việc nào khác nếu không có những kế hoạch  thiết thực và khả thi. Cần lưu ý điều này và hãy nhớ là khi kế hoạch của bạn thất bại, thì đó chỉ là thất bại tạm thời chứ không phải một thất bại hoàn toàn. Điều đó có nghĩa là những kế hoạch của bạn chưa đúng đắn. Hãy tạo dựng những kế hoạch khác và bắt đầu lại từ đầu.
            Những thất bại tạm thời chỉ có nghĩa là có điều gì đó không đúng trong kế hoạch của bạn. Hàng triệu người đã sống trong cảnh cực khổ và nghèo khó bởi họ thiếu một kế hoạch đúng đắn để qua đó có thể tích lũy được tiền bạc.
            Thành  quả của bạn lớn đến đâu phụ thuộc vào mức độ đúng đắn trong kế hoạch của bạn.
            Bạn không bao giờ bị loại khỏi cuộc chơi cả trừ khi bạn bỏ cuộc, bỏ cuộc ngay trong suy nghĩ của bạn.
            Janes J. Hill, người đã xây dựng những con đường xe lửa vĩ đại nhất trong lịch sử, đã gặp thất bại đầu tiên khi nỗ lực tìm kiếm vốn đầu tư để xây dựng “Đường xe lửa phía Bắc Vĩ đại” từ Đông sang Tây nước Mỹ.Nhưng rồi ông đã chuyển bại thành thắng bằng những kế hoạch mới của mình.
            Henry Ford cũng đã từng gặp những thất bại tạm thời, không chỉ trong thời gian đầu khởi nghiệp chế tạo xe hơi mà ngay cả sau khi Ford đang trên đường tới đỉnh cao của sự nghiệp. Nhưng ông đã tạo ra những kế hoạch mới và đường hoàng đi tới thắng lợi cuối cùng.
            Chúng ta đã thấy nhiều người đã tích lũy được một gia tài lớn nhưng ta thường chỉ thấy được những chiến thắng, những thành công của họ mà bỏ qua những thất bại tạm thời mà họ đã vượt qua trước khi “ đến đích”.
            Không ai thực hành theo triết lý này và tích lũy được một số tiền lớn mà không trải qua những “ thất bại tạm thời”. Vì vậy, khi gặp thất bại, hãy chấp nhận nó như một dấu hiệu  cho thấy rằng kế hoạch của bạn không đúng đắn và hãy tạo dựng những kế hoạch mới, rồi tiếp tục căng buồm tiến về mục tiêu phía trước. Nếu bạn từ bỏ trước khi đạt được mục tiêu, bạn trở thành “ kẻ bỏ cuộc”. Một kẻ bỏ cuộc không bao giờ chiến thắng và người chiến thắng thì không bao giờ bỏ cuộc. Hãy trích câu này ra, viết nó vào một mảnh giấy bằng những chữ to và rõ rồi treo ở nơi mà bạn có thể nhìn thấy dễ dàng mỗi đêm trước khi đi ngủ cũng như mỗi buổi sáng trước khi bạn bắt đầu một ngày làm việc mới.
            Khi bạn bắt đầu lựa chọn thành viên cho nhóm Trí tuệ ưu tú của mình, hãy cố gắng chọn ra những người không quá lo sợ thất bại.
            Một số người lầm tưởng rằng chỉ có tiền mới tạo ra tiền. Điều này không đúng! Khát vọng được biến thành những giá trị tiền bạc tương đương qua những nguyên tắc được trình bày trong cuốn sách này mới là cách làm ra tiền bạc và của cải. Bản thân đồng tiền chỉ là một thứ trì trệ. Nó không thể di chuyển, suy nghĩ hay nói được, nhưng nó có thể “nghe” thấy những người khát khao muốn có nó.
            Một kế hoạch thông mình là điều cốt yếu bảo đảm cho sự thành công trong bất cứ thương vụ nào. Ở đây ta sẽ tìm thấy các hướng dẫn chi tiết cho những người bắt đầu việc tích lũy tiền bạc bằng cách bán sức lao động của cá nhân họ.
            Bạn có thể sẽ cảm thấy phấn khởi khi biết rằng thực tế tất cả những gia tài khổng lồ bắt đầu từ việc bán sức lao động cá nhân hay bán những ý tưởng. Còn gì ngoài sức lao động và ý tưởng mà một người với hai bàn tay trắng có thể sử dụng để lấy tiền bạc hay sự giàu sang?

NHỮNG NGƯỜI LÃNH ĐẠO VÀ CẤP DƯỚI

            Nói rộng ra, có hai loại người trên thế giới này. Một là những người lãnh đạo, còn lại là những người đi theo họ. Hãy quyết định ngay từ đầu xem liệu bạn có thực sự muốn trở thành người dẫn đầu trong ngành nghề mà bạn chọn hay cứ tiếp tục làm người chỉ biết đi theo. Sự chênh lệch giữa những gì bạn nhận được là rất lớn. Người theo sau không thể mong đợi một phần thưởng vốn chỉ dành cho người dẫn đầu. Nhưng đáng buồn là những cấp dưới đã sai lầm khi nghĩ rằng đáng ra họ cũng phải được như vậy.
            Không có gì xấu hổ khi bạn là người theo sau người khác. Nhưng, cũng chẳng có gì đáng khen ngợi khi cứ mãi ở vị trí cấp dưới. Hầu hết những nhà lãnh đạo vĩ đại đều bắt đầu ở vị trí cấp dưới của ai đó. Họ đã trở thành những người lãnh đạo tuyệt vời vì họ là những cấp dưới thông minh. Nếu không kể vài trường hợp ngoại lệ thì những người không biết cách đi theo người lãnh đạo của họ một cách thông minh thì đều không thể trở thành nhà lãnh đạo hiệu quả được. Người có thể theo sau nhà lãnh đạo của mình một cách hiệu quả nhất thường là người sẽ nhanh chóng trở thành lãnh đạo. Một cấp dưới thông minh có nhiều lợi thế và cơ hội để có thể tích lũy được những kiến thức bổ ích từ người lãnh đạo của anh ta.

NHỮNG PHẨM CHẤT CHỦ YẾU CỦA NGƯỜI LÃNH ĐẠO

            Dưới đây là những phẩm chất quan trọng của người lãnh đạo:
1.     Lòng dũng cảm và tính kiên định tùy thuộc vào kiến thức và nghề nghiệp của mỗi người. Không  cấp dưới nào muốn bị dẫn  dắt trong tay một một lãnh đạo thiếu tự tin và lòng can đảm. Không có người có cấp dưới thông minh nào chịu để cho một lãnh đạo như vậy chi phối trong một thời gian dài.
2.     Sự tự chủ. Người không thể tự điều khiển được bản thân anh ta thì không bao giờ có thể điều khiển được người khác. Sự tự chủ của người lãnh đạo là tấm gương cho cấp dưới noi theo, cấp dưới nào thông minh hơn sẽ thành công hơn.
3.     Một ý thức mãnh liệt về sự công bằng. Nếu không có sự hợp tình hợp lý thì không người lãnh đạo nào có thể chỉ huy và nhận được sự kính trọng từ cấp dưới của họ.
4.     Quyết định rõ ràng. Những người luôn dao động trong việc quyết định cho thấy bản thân họ không có gì chắc chắn cả và họ không thể dẫn dắt người khác đến thành công.
5.     Những kế hoạch cụ thể. Một người lãnh đạo thành công phải lập kế hoạch cho công việc của anh ta và thực hiện kế hoạch đó. Người lãnh đạo làm việc chỉ dựa trên cảm tính mà không có những kế hoạch thực tế và cụ thể thì cũng giống như một chiếc thuyền không có bánh lái. Sớm muộn gì anh ta cũng lái con tàu đâm vào đá mà thôi.
6.     Thói quen làm việc vượt quá thù lao. Một trong những “gánh nặng” của người lãnh đạo là họ phải luôn sẵn sàng làm nhiều hơn và tốt hơn những gì họ đòi hỏi ở cấp dưới.
7.     Một tính cách dễ chịu. Người lãnh đạo cần phải được cấp dưới tôn trọng. Cấp dưới không thể tôn trọng một nhà lãnh đạo không có những yếu tố cần thiết tạo nên một tính cách dễ chịu.
8.     Cảm thông và thấu hiểu. Một nhà lãnh đạo thành công phải biết thông cảm với cấp dưới của anh ta. Hơn nữa, anh ta phải hiểu được họ và những vấn đề của họ.
9.     Nắm vững các chi tiết. Muốn lãnh đạo thành công, nhà lãnh đạo phải nắm vững các chi tiết và khía cạnh về vị trí mà anh ta đang nắm giữ.
10.  Sẵn sàng nhận lấy hoàn toàn trách nhiệm về mình. Người lãnh đạo thành công phải sẵn sàng nhận trách nhiệm về sai lầm và thiếu sót của cấp dưới. Nếu anh ta đùn đẩy trách nhiệm này cho người khác, anh ta không còn là người lãnh đạo nữa. Nếu một trong số những người ủng hộ anh ta mắc lỗi và tỏ ra kém cỏi, người lãnh đạo phải thấy rằng chính anh ta mới là người thất bại và có lỗi.
11.  Sự hợp tác. Một người lãnh đạo thành công phải hiểu và áp dụng được nguyên tắc cùng nỗ lực hợp tác và có thể thuyết phục cấp dưới cũng làm như vậy. Sự lãnh đạo đòi hỏi phải có sức mạnh và sức mạnh đòi hỏi phải có sự hợp tác.
            Lãnh đạo gồm có hai dạng. Thứ nhất và có hiệu quả nhất là lãnh đạo bằng sự đồng thuận và cảm thông của cấp dưới. Dạng thứ hai là lãnh đạo bằng quyền lực mang tính cưỡng chế mà không cần có sự đồng cảm của cấp dưới.
            Có nhiều bằng chứng trong lịch sử cho thấy lãnh đạo bằng cách cưỡng chế không thể tồn tại lâu dài. Sự suy vi và biến mất của những kẻ độc tài và vua chúa mang nhiều ý nghĩa. Hiện tượng đó cho thấy con người nói chung không thích phục tùng vô hạn định theo sự lãnh đạo mang tính cưỡng chế.
            Napoloen, Mussolini, Hitler là những ví dụ của lãnh đạo bằng quyền lực cưỡng chế. Thời kỳ lãnh đạo gần như chuyên chế như vậy gần như đ qua rồi. Những mô hình lãnh đạo tương tự còn sót lại cũng đang suy tàn dần theo thời gian. Lãnh đạo bằng sự đồng cảm với cấp dưới mới có thể tồn tại lâu dài.
            Con người có thể phục tùng sự lãnh đạo mang tính cưỡng chế một cách tạm thời nhưng họ sẽ không sẵn lòng làm như vậy mãi mãi.
            Người lãnh đạo thành công phải có cả mười một phẩm chất nói trên và một số phẩm chất phụ khác. Người nào lấy những phẩm chất trên làm nền tảng để lãnh đạo thì sẽ tìm thấy nhiều cơ hội thành công trong mọi lĩnh vực của cuộc sống.

MƯỜI NGUYÊN NHÂN CHÍNH DẪN ĐẾN THẤT BẠI TRONG VIỆC LÃNH ĐẠO

            Bây giờ chúng ta sẽ đến với những sai lầm chính của những nhà lãnh đạo thất bại. Biết được điều gì không nên làm cũng cần thiết như biết được việc gì nên làm.
1.     Không có khả năng tổ chức, sắp xếp các chi tiết .Một người muốn lãnh đạo hiệu quả đòi hỏi phải có khả năng tổ chức và làm chủ những chi tiết nhỏ nhặt. Không có nhà lãnh đạo thật sự nào quá bận rộn đến mức không thể làm bất  cứ điều gì trong phạm vi chức trách của anh ta trên cương vị một người lãnh đạo. Khi một người, dù là lãnh đạo hay cấp dưới, thừa nhận rằng anh ta quá bận rộn để thay đổi những kế hoạch của mình  hay chú ý đến những vấn đề cấp bách khác, có nghĩa là anh ta đã thừa nhận sự kém cỏi của mình. Một người lãnh đạo thành công phải biết làm chủ tất cả những chi tiết nhỏ nhặt liên quan đến vị trí của anh ta. Dĩ nhiên là anh ta phải có thói quen giao những việc nhỏ cho những cộng sự có năng lực làm.
2.     Không sẵn lòng làm những việc mà người khác cho là thấp kém. Những người lãnh đạo tốt thật sự luôn sẵn sàng thực hiện bất cứ loại hình lao động nào mà họ muốn người khác thực hiện khi hoàn cảnh đòi hỏi họ phải làm như vậy. “Người vĩ đại nhất là đầy tớ của tất cả những người lãnh đạo có tài đều tuân theo và tôn trọng.
3.     Mong được trả công cho những gì họ “biết” thay vì những điều họ “làm” với những kiến thức đó. Thế giới này không trả công cho những gì bạn “biết” mà cho những gì bạn làm hay thuyết phục người khác làm.
4.     Lo sợ cạnh tranh với cấp dưới. Người lãnh đạo lo sợ cấp dưới chiếm lấy vị trí của anh ta chắc chắn sẽ nhìn thấy nỗi lo sợ đó trở thành hiện thực, dù sớm hay muộn. Người lãnh đạo có tài luôn sẵn lòng đào tạo, huấn luyện lớp người kế cận để có thể ủy thác và giao phó trách nhiệm công việc cụ thể. Chỉ bằng cách này thì người lãnh đạo mới có thể “phân thân” ở nhiều nơi và chú ý tới nhiều việc cùng một lúc được. Có một sự thực luôn đúng là người lãnh đạo tổ chức và khuyến khích người khác làm việc bao giờ cũng được nếu họ tự làm công việc bao giờ cũng được trả công nhiều hơn so với số tiền kiếm được nếu họ tự làm công việc đó. Một nhà lãnh đạo có năng lực sẽ sử dụng kiến thức và sức hút cá nhân của anh ta để giúp nâng cao hiệu quả làm việc của những người khác, khiến họ làm nhiều việc hơn và tốt hơn những điều họ có thể làm nếu không có sự trợ giúp của anh ta.
5.     Thiếu trí tưởng tượng. Nếu không có óc tưởng tượng, người lãnh đạo sẽ không thể đối mặt và giải quyết được những tình huống cấp bách cũng như lập ra những kế hoạch để định hướng cho cấp dưới của mình một cách hiệu quả.
6.     Tính ích kỷ. Người lãnh đạo tự nhận tất cả những vinh quang về mình bằng những việc cấp dưới của anh ta làm chắc chắn sẽ bị oán giận và thù ghét. Người lãnh đạo thực thụ không ham chuộng những vinh quang như thế. Anh ta vui lòng nhìn thấy những vinh quang đến với cấp dưới bởi anh ta biết rằng mọi người sẽ làm việc chăm chỉ hơn để được khen thưởng và công nhận chứ không phải vì tiền.
7.     Thái độ không đúng mực. Cấp dưới không tôn trọng bất cứ người lãnh đạo không đúng mực nào. Hơn nữa, sự lãnh đạo không đúng mực này dưới bất kỳ hình thức nào sẽ phá hủy khả năng lãnh đạo lâu dài của tất cả những người đi quá giới hạn cho phép.
8.     Bất trung. Có lẽ tính cách này nên đứng đầu danh sách. Người lãnh đạo không trung thành với nhiệm vụ cũng như với cấp trên hay cấp dưới của mình không thể tiếp tục duy trì vị trí lãnh đạo trong một thời gian dài. Người bất trung rồi cũng nhận lấy sự khinh rẻ mà anh ta đáng phải nhận. Sự phản bội là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến thất bại trong mọi lĩnh vực khác nhau của đời sống xã hội.
9.     Cường điệu quyền uy lãnh đạo. Một nhà lãnh đạo có năng lực lãnh đạo người khác bằng sự khích lệ chứ không phải bằng cách làm cho cấp dưới sợ hãi. Người lãnh đạo cố gắng gây ấn tượng với cấp dưới bằng quyền lực là kiểu mẫu lãnh đạo chuyên chế đã lỗi thời. Nếu bạn là một nhà lãnh đạo thực sự, bạn sẽ không cần “quảng cáo” điều đó. Khả năng và uy thế của nhà lãnh đạo sẽ được thể hiện qua cách hành xử của anh ta. Đó là sự thông cảm, thấu hiểu, tính công bằng và sự hiểu biết về công việc của mình.
10.  Xem trọng danh hiệu. Một người lãnh đạo giỏi không cần đến những danh hiệu để nhận được sự tôn trọng từ cấp dưới của anh ta. Người quá xem trọng danh hiệu thường không có gì khác ngoài những thứ ấy. Cánh cửa tới văn phòng của nhà lãnh đạo thật sự luôn rộng mở đối với tất cả những người muốn bước vào mà không cần những thủ tục, lễ nghi hay sự khoa trương nào cả.
            Trên đây là những nguyên nhân thường thấy dẫn đến thất bại trong việc lãnh đạo. Bất kỳ điều nào trong những sai sót trên đây đều đủ để dẫn đến thất bại. Hãy xem xét danh sách này một cách cẩn thận nếu bạn muốn trở thành nhà lãnh đạo và hãy chắc chắn rằng bạn không bị mắc những sai lầm ấy.

THỜI ĐIỂM VÀ CÁCH THỨC XIN VIỆC

            Thông tin được trình bày dưới đây là kết quả của nhiều năm nghiên cứu. Những thông tin đó đã giúp hàng ngàn người tiếp thị khả năng cá nhân của họ một cách hiệu quả.
1.     Các trung tâm tư vấn việc làm. Phải để tâm lựa chọn những công ty có tên tuổi và kết quả tư vấn tốt đủ để bạn làm hài lòng.
2.     Quảng cáo trên các báo, tập san thương mại, tạp chí. Quảng cáo trên các mục rao vặt có thể mang đến những kết quả làm bạn thỏa mãn nếu bạn nộp đơn xin việc làm vào những vị trí thấp, nhân viên văn phòng hay những công việc được trả lương bình thường khác. Những người đang tìm kiếm các vị trí điều hành cao cấp thì cần đến những mẫu quảng cáo được viết và thiết kế tốt hơn mặc dù tiền để trả cho những mẫu quảng cáo như vậy là không rẻ. Những mẫu quảng cáo như thế nên được một chuyên gia chuẩn bị, đó là người hiểu làm cách nào để đưa vào mẫu quảng cáo của bạn những tiêu chuẩn cần thiết để nhận được lời hồi âm từ nhà tuyển dụng.
3.     Thư xin việc. Thư xin việc cần được viết hướng trực tiếp đến những công ty riêng biệt hay những cá nhân đang cần kiểu năng lực và kinh nghiệm mà bạn có. Lá thư nên được đánh máy rõ ràng và ký tên bằng tay. Cùng với lá thư, bạn hãy gửi kèm thêm một hồ sơ hoàn chỉnh và phác thảo sơ lược về khả năng của bản thân. Cả thư xin việc và hồ sơ đều nên được một chuyên gia giàu kinh nghiệm chuẩn bị.
4.     Xin việc với tư cách cá nhân. Trong vài trường hợp, sẽ có hiệu quả hơn nếu người xin việc trực tiếp đề xuất nguyện vọng và khả năng của anh ta với nhà tuyển dụng tương lai. Trong buổi gặp gỡ đó, họ cũng nên nộp thêm một bản tự giới thiệu về năng lực của mình bởi nhà tuyển dụng thường muốn bàn bạc về hồ sơ của các ứng viên với đồng nghiệp.
5.     Xin việc qua những mối quen biết cá nhân. Nếu có thể, người xin việc nên cố gắng tiếp cận nhà tuyển dụng tương lai thông qua những mối quen biết riêng. Phương pháp này đặc biệt có lợi đối với những người đang tìm kiếm những vị trí quản lí cấp cao mà không muốn tỏ ra là đang “rao bán” năng lực bản thân.

THÔNG TIN CUNG CẤP CHO MỘT BẢN LÝ LỊCH VIẾT TAY

            Một bản lý lịch tốt nên được chuẩn bị cẩn thận như một luật sư chuẩn bị hồ sơ bào chữa của mình trước khi tranh biện trước tòa. Trừ khi người xin việc làm đã có kinh nghiệm trong việc chuẩn bị những hồ sơ như vậy, tốt nhất anh ta nên tham khảo ý kiến của một chuyên gia. Khi một doanh nhân thành đạt muốn quảng cáo một sản phẩm, họ thuê những chuyên gia tâm lý thấu hiểu tâm lý khách hàng và nghệ thuật quảng cáo để giúp quảng bá sản phẩm đó. Khi một người muốn “bán” năng lực của mình, anh ta cũng nên làm như vậy.
            Những thông tin sau nên có trong lý lịch:
1.     Trình độ học vấn. Trình bày ngắn gọn nhưng rõ ràng bạn đã học qua những trường hợp nào chuyên ngành của bạn là gì và giải thích tại sao bạn lại chọn chuyên ngành đó.
2.     Kinh nghiệm. Nếu bạn đã có kinh nghiệm liên quan đến vị trí mà bạn đang tìm kiếm, hãy miêu tả đầy đủ trong lý lịch. Chú ý ghi thêm tên địa chỉ của nhà tuyển dụng trước đây của bạn. Hãy chắc chắn bạn rằng bạn đã đề cập đến trong lý lịch một cách rõ ràng bất cứ kinh nghiệm đặc biệt nào mà bạn đã có, đặc biệt chú ý đến những kinh nghiệm giúp bạn có lợi thế đáp ứng vị trí mà bạn mong muốn.
3.     Thư giới thiệu. Thực tế là mọi doanh nghiệp đều rất muốn biết nhiều nhất có thể những thông tin cơ bản về người nhân viên tương lai của họ. Vì vậy, hãy đính kèm trong hồ sơ của bạn những bức thư giới thiệu của nhà tuyển dụng trước đó, thầy cô giáo đã từng dạy bạn hay những người có vị thế mà những đánh giá của họ thường được tin tưởng.
4.     Ảnh của bạn. Hãy đính kèm trong hồ sơ một bức ảnh mới chụp của bạn.
5.     Nộp hồ sơ vào một vị trí cụ thể. Tránh tình trạng xin việc làm chung chung không nói rõ vị trí cụ thể mà bạn đang tìm kiếm. Điều này chứng tỏ là bạn thiếu năng lực chuyên môn.
6.     Nêu rõ những năng lực phù hợp với công việc mà bạn muốn xin vào làm. Cung cấp đầy đủ chi tiết chứng tỏ tại sao bạn hoàn toàn tin rằng mình có đủ khả năng để đảm nhiệm vị trí mà bạn mong muốn. Đó chính là những chi tiết quan trọng nhất trong đơn xin việc của bạn. Nó sẽ quyết định thái độ của nhà tuyển dụng đối với bạn và khả năng trúng tuyển hay không.
7.     Xin được thử việc. Đây có thể được xem như một lời đề nghị quyết liệt nhưng kinh nghiệm đã cho thấy một ứng viên ít khi thất bại nếu chỉ xin tập sự. Nếu bạn chắc chắn vào khả năng của mình, một quãng thời gian thử việc là tất cả những gì bạn cần. Một cách ngẫu nhiên, một yêu cầu như vậy chứng tỏ bạn hoàn toàn tin vào khả năng của bản thân có thể đáp ứng những yêu cầu của công việc này. Đó là điều có sức thuyết phục nhất. Hãy nói rõ ràng là yêu cầu đó của bạn dựa trên sự tự tin vào khả năng có thể đáp ứng được công việc, sự tự tin vào quyết định của nhà tuyển dụng sẽ nhận bạn vào làm sau thời gian thử việc và lòng quyết tâm có được công việc đó.
8.     Hiểu biết về công việc kinh doanh của nhà tuyển dụng. Trước khi nộp đơn xin việc, hãy nghiên cứu kĩ để hiểu biết thấu đáo về công việc kinh doanh của công ty mà bạn đang định xin vào. Điều này sẽ rất ấn tượng vì nó chứng minh là bạn có óc tưởng tượng và thật sự quan tâm đến vị trí bạn đang tìm kiếm.
            Hãy nhớ rằng luật sư thắng kiện không phải là người biết nhiều luật lệ nhất mà là người chuẩn bị tốt nhất cho phiên bào chữa trước tòa. Nếu bạn chuẩn bị kĩ lưỡng và trình bày thích hợp thì bạn đã nắm bắt trong tay một nửa cơ hội chiến thắng ngay từ lúc ban đầu.
            Đừng lo sợ bản hồ sơ của bạn sẽ quá dài. Những nhà tuyển dụng cũng quan tâm đến việc tuyển được các ứng viên có khả năng như chính bạn quan tâm đến việc có được việc làm vậy. Trên thực tế, thành công của hầu hết các nhà lãnh đạo xuất sắc nhất phụ thuộc vào khả năng lựa chọn những cộng sự ưu tú của họ. Vì thế, họ muốn có được tất cả thông tin có thể có về bạn.
            Hãy nhớ một điều khác: chuẩn bị gọn gàng và kĩ lưỡng hồ sơ của bạn sẽ chứng tỏ bạn là một người rất chịu khó. Những người bán hàng thành công rất cẩn thận về vẻ bề ngoài của họ. Họ hiểu rằng ấn tượng ban đầu tiên sẽ đọng lại mãi mãi. Hồ sơ của xin việc làm của bạn cũng như người đại lý bán hàng cho bạn, vậy hãy mặc cho nó những bộ cánh thật đẹp,nổi bật và tương phản với bất kỳ những cái mà các nhà tuyển dụng tương lai của bạn từng nhìn thấy. Nếu công việc này xứng đáng để bạn xin vào làm thì nó xứng đáng được quan tâm. Hơn nữa, nếu bạn tiếp thị hình ảnh của mình theo cách thể hiện được cá tính của riêng bạn,  bạn sẽ được trả một mức lương cao hơn từ ngay lúc đầu so với mức lương mà bạn nhận được nếu xin việc theo cách thông thường.
            Khi hồ sơ được hoàn tất, bạn nên chú ý chuẩn bị những bản sao riêng cho từng công ty hay cá nhân mà bạn sẽ nộp hồ sơ đó cho họ. Những hồ sơ nhắm đến từng đối tượng hay cá nhân cụ thể bao giờ cũng gây được sự chú ý. Hồ sơ của bạn nên được đánh máy gọn gàng, xem kĩ và sửa lại nhiều lần, in ấn ngay ngắn trên tờ giấy đẹp nhất có thể. ảnh của bạn nên được dán vào một trong các trang trong hồ sơ. Chuẩn bị những phong bì riêng cho từng công ty bạn nộp với tên công ty được viết rõ ràng bên ngoài trong trường hợp bạn nộp hồ sơ đến nhiều hơn một công ty.
            Nếu bạn tìm một việc làm thông qua một trung tâm giới thiệu việc làm, hãy để trung tâm đó sử dụng những bản hồ sơ để quảng bá khả năng của bạn. Điều này sẽ mang đến nhiều lựa chọn cho bạn với công ty môi giới lẫn các nhà tuyển dụng.
            Tôi đã giúp chuẩn bị hồ sơ cho rất nhiều khách hàng – chúng nổi bật và đặc biệt đến mức khiến họ được nhận vào mà không qua vòng phỏng vấn. Nếu bạn muốn có một kết quả tương tự, hãy làm theo đúng những chỉ dẫn trên và để cho trí tưởng tượng hoàn thiện thêm những điểm đặc sắc trong bản hồ sơ của bạn.

LÀM SAO ĐỂ CÓ ĐƯỢC VỊ TRÍ MÀ BẠN KHAO KHÁT?

            Mọi người đều thích làm những loại công việc phù hợp nhất của mình. Một họa sĩ thích làm việc với sơn màu, thợ thủ công với đôi tay, nhà văn thích viết lách. Những người ít năng khiếu hơn thích làm việc trong lĩnh vực kinh doanh và công nghiệp.
            Thứ nhất: Hãy quyết định chính xác loại công việc mà bạn muốn. Nếu công việc này chưa tồn tại, bạn có thể tạo ra nó.
            Thứ hai: Hãy chọn công ty hay cá nhân mà bạn muốn được cùng làm việc.
            Thứ ba: Hãy tìm hiểu nhà tuyển dụng tương lai của bạn, ví dụ như chính sách hoạt động, nhân sự và cơ hội thăng tiến.
            Thứ tư: Bằng cách phân tích năng khiếu và năng lực bản thân, hãy xem xét kỹ bạn có thể làm được những gì. Lên kế hoạch và biện pháp cụ thể để phát triển lợi thế, năng lực, ý tưởng mà bạn tin rằng có thể thực hiện thành công.
            Thứ năm: Hãy quên “việc làm”và những cơ hội việc làm đi. Quên đi câu hỏi thường lệ là: “Anh có việc làm cho tôi không?”. Hãy để tâm đến việc bạn có thể cống hiến những gì.        Thứ sáu: Một khi bạn có được kế hoạch trong đầu, hãy viết nó ra giấy một cách thật gọn gàng và đầy đủ.
            Thứ bảy: Hãy gửi bản kế hoạch đó đến cá nhân có quyền quyết định và tất cả những gì cần đến sẽ đến. Mọi công ty đều tìm kiếm những người có thể mang đến cho họ một giá trị nào đó, dù cho đó là ý tưởng, khả năng hay “mối quan hệ”. Mọi công ty đều có chỗ dành cho những kế hoạch hành động rõ ràng cho sự phát triển thuận lợi của công ty đó.
            Công việc này có thể làm bạn mất một vài ngày hoặc nhiều nhất là vài tuần nhưng sẽ giúp bạn có được mức lương cao hơn, khả năng thăng tiến lớn hơn và được nhiều người công nhận hơn so với những ứng viên khác. Sự khác biệt đó sẽ giúp bạn tiết kiệm nhiều năm lao động cực nhọc với mức lương thấp. Các bước trên có nhiều lợi điểm nhưng điều quan trọng nhất là nó giúp bạn rút ngắn từ một đến năm năm để đạt đến cùng một mục tiêu đã chọn.
            Mỗi người bắt đầu hay đang trên đường lên những nấc thang thành công đều thực hiện theo các bước trên một cách cẩn thận và có chủ đích.

PHƯƠNG PHÁP MỚI ĐỂ QUẢNG BÁ NĂNG LỰC CÁ NHÂN

            Những người muốn quảng bá năng lực cá nhân của mình phải nhận thấy rằng mối quan hệ giữa nhà tuyển dụng lao động và người lao động đang thay đổi.
            Mối quan hệ trong tương lai giữa nhà tuyển dụng và người lao động sẽ mang tính chất hợp tác nhiều hơn, sự hợp tác đó gồm các yếu tố: người sử dụng lao động, người lao động và khách hàng hay công chúng nói chung.
            Trong quá khứ, người chủ và người lao động mặc cả với nhau mà không quan tâm đến một thực tế là việc mặc cả của họ gây bất lợi cho bên thứ ba, đó chính là khách hàng mà họ phải phục vụ. Giờ đây, cả người chủ và người lao động cần tự coi mình như những người cùng lao động để phục vụ công chúng một cách có hiệu quả.
            Trong suốt giai đoạn kinh tế suy thoái, tôi đã dành ra vài tháng ở khu khai thác than của Pennsylvania, tìm hiểu xem điều gì đã phá hủy nền công nghiệp than ở đây. Những người chủ mỏ và công đoàn đã có những cuộc thương thảo gay gắt và căng thẳng xung quanh những bất đồng liên quan đến hợp đồng lao động. Cái giá của những cuộc tranh luận gay gắt giữa họ là giá than tăng cao và khách hàng chính là những người chịu thiệt. Tuy nhiên, cả chủ mỏ và công nhân đều nhận ra rằng những hành động của họ đang chống lại và gây ảnh hưởng đến chính họ. Sự ngừng trệ sản xuất và giá than tăng cao đã mở cửa thị trường cho các đối thủ cạnh tranh. Họ đã vô tình tạo ra cơ hội kinh doanh tuyệt vời cho những nhà sản xuất bếp lò và lò sưởi đốt bằng dầu cũng như cho chính những nhà khai thác dầu khí.
            Tình huống tương tự cũng đã xảy ra đối với các công ty gas. Những người Mỹ sống trong quãng thời gian đó hẳn đều có thể nhớ mỗi lần người đọc đồng hồ gas đến ghi chỉ số gas, họ gõ cửa mạnh tới mức như thể sắp làm vỡ các tấm ván đến nơi. Khi cửa mở, anh ta lao vào mà không cần được mời với vẻ mặt cau có như muốn nói toẹt ra rằng: “Có việc quái gì mà anh làm tôi đợi lâu thế?”. Tất cả điều này giờ đã thay đổi. Người ghi đồng hồ gas giờ đây đã cư xử như một “quý ông” luôn “vui lòng được phục vụ khách hàng”. Trước khi những công ty gas biết rằng những nhân viên ghi đồng hồ khó chịu của họ xúc phạm đến khách hàng thì những người bán hàng lịch sự của các công ty có sản phẩm chạy bằng chất đốt dầu hỏa đã đến và họ đã có một mảnh đất béo bở.
            Những minh họa được đề cập đến đây chứng tỏ rằng chính hành động của chúng ta sẽ quyết định chúng ta là ai và chúng ta đang ở đâu. Nếu có quan hệ nhân quả trong kinh doanh, kinh doanh và vận tải thì cũng chính quan hệ đó ảnh hưởng lên mỗi cá nhân và quyết định nên tình trạng kinh doanh của họ.
            “Sự nhã nhặn” và “tinh thần phục vụ” là khẩu hiệu của ngành thương mại ngày nay. Khẩu hiệu đó áp dụng cho những người đang nỗ lực quảng bá năng lực cá nhân mình thậm chí còn trực tiếp hơn cả với người chủ doanh nghiệp. Xét đến cùng, chính sách hàng sẽ là người tuyển dụng bạn. Nếu bạn không làm tốt, thì cái giá phải trả của bạn và người chủ mất đi quyền được làm việc và phục vụ “khách hàng”.

XẾP LOẠI “CST” CỦA BẠN LÀ GÌ?

            Trong phần trước, nguyên nhân dẫn đến thành công trong việc quảng bá năng lực cá nhân một cách hiệu quả và thường xuyên đã được miêu tả rõ ràng. Không ai có thể quảng bá khả năng lao động của mình một cách có hiệu quả và lâu dài được nếu không nghiên cứu, phân tích, thấu hiểu và áp dụng những nguyên nhân đó. Mỗi người phải chính là người tiếp thị cho hàng hóa sức lao động của mình. Chính chất lượng và số lượng của “dịch vụ” mà bạn cung cấp cộng với thái độ cung cấp sẽ quyết định “giá cả” và “thời gian” tuyển dụng.
            Để quảng bá khả năng lao động của cá nhân một cách hiệu quả (nghĩa là một thị trường lâu dài với mức giá làm bạn thỏa mãn và dưới những điều kiện làm bạn hài lòng), bạn hãy chấp nhận và làm theo công thức “CST”. CST có nghĩa là Chất lượng, Số lượng với Tinh thần phục vụ. Luôn nhớ công thức “CST”, nhưng hãy làm hơn thế nữa – hãy áp dụng nó như một thói quen!
            Hãy phân tích công thức trên để chắc chắn bạn hiểu chính xác hiểu ý nghĩa của nó.
1.     Chất lượng phục vụ nghĩa là bạn cần thể hiện mỗi chi tiết và khía cạnh liên quan đến vị trí của bạn theo những cách hiệu quả nhất có thể với tâm niệm không ngừng làm tốt hơn nữa.
2.     Số lượng phục vụ nghĩa là thói quen thực hiện tất cả những công việc trong khả năng của bạn mọi lúc, với mục đích tăng số lượng phục vụ đồng nghĩa với phát triển kỹ năng thông qua thực hành và kinh nghiệm. Từ thói quen một lần nữa lại nhấn mạnh.
3.     Tinh thần phục vụ nghĩa là thói quen làm việc một cách dễ chịu và hòa hợp. Điều đó sẽ giúp đem lại sự đồng thuận và hợp tác từ các đồng sự cũng như những nhà tuyển dụng.
            Chất lượng và số lượng tương xứng không đủ để duy trì một thị trường lâu dài cho những khả năng làm việc của bạn. Thái độ hay tinh thần phục vụ cũng là yếu tố quyết định đến cả số tiền mà bạn nhận được cũng như khoảng thời gian làm việc của bạn.
            Andrew Carnegie rất nhấn mạnh điểm này khi miêu tả những yếu tố dẫn đến thành công trong việc quảng bá năng lực cá nhân. Ông nhấn mạnh nhiều lần tầm quan trọng của thái độ hòa nhã. Carnegie khẳng định một thực tế là ông sẽ không giữ lại bất cứ ai làm việc cho mình nếu người đó không có tinh thần hòa nhã, dù số lượng và chất lượng công việc của có nhiều và tốt đến đâu. Ngài carnegie luôn đòi hỏi mọi người phải làm việc một cách thoải mái. Để chứng minh là ông rất xem trọng mặt này, Carnegie đã giúp nhiều người làm việc theo những tiêu chuẩn của ông trở nên rất giàu có. Những người không thích nghi với tiêu chuẩn này phải nhường chỗ cho những người khác.
            Tầm quan trọng của một tính cách dễ chịu, ôn hòa được nhấn mạnh bởi vì đây là yếu tố giúp con người làm việc với một thái độ đúng đắn. Nếu bạn có tính cách ôn hòa, bạn sẽ luôn thực hiện công việc trên tinh thần hòa hợp. Tính cách này là món tài sản quý có thể bù đắp cho những thiếu hụt cả về số lượng lẫn chất lượng công việc mà một người có thể thực hiện. Thật vậy, không có gì có thể thay thế thành công cho một thái độ ôn hòa và dễ chịu.

GIÁ TRỊ TƯ BẢN CỦA SỨC LAO ĐỘNG

            Người có thu nhập chủ yếu dựa vào việc quảng bá khả năng lao động của mình không có gì khác hơn một thương nhân bán hàng hóa thông thường. Họ cũng tuân theo những nguyên tắc ứng xử như những thương nhân bán hàng hóa của họ.
            Tôi nhấn mạnh điều này vì rất nhiều những người làm công ăn lương đã ngộ nhận cho rằng họ hoàn toàn không dính dáng gì  đến  luật ứng xử và trách nhiệm của những người liên quan trực tiếp đến việc tiếp thị hàng hóa.
            Thời của những người “dám nghĩ dám làm” đang dần được thay thế bởi thời của những người “dám làm dám phục vụ”.
            Giá trị tư bản thực sự của trí tuệ bạn được xác định bởi thu nhập mà bạn có thể làm ra bằng việc định bởi thu nhập mà bạn có thể làm ra bằng việc bán sức lao động. Ước tính công bằng giá trị tư bản của trí tuệ mà thường có giá trị thấp hơn nhiều. Vì thế, nếu trí tuệ của bạn chỉ có giá trị như tiền bạc, bạn cũng có thể “cho vay” trí tuệ của bạn(lương tư bản) với một tỷ lệ lãi suất ít nhất là ngang bằng với lãi suất họ vay của ngân hàng. Điều đó có nghĩa là số tiền bạn kiếm được trong một năm( thu nhập của bạn) có thể so sánh với số tiền một ngân hàng có thể kiếm được từ một khoản vay trong một năm (từ mức lãi suất họ đặt ra).
            Bạn có thể tính toán ra giá trị tư bản của trí tuệ bằng cách sử dụng công thức sau: Lấy 100 chia cho tỷ lệ lãi suất cho vay hiện tại mà ngân hàng định. Sau đó, lấy kết quả nhân với thu nhập hàng năm của bạn.
            Ví dụ, giả định tỷ lệ lãi suất đang là 5% và thu nhập hàng năm của bạn là 50.000 đô-la Mỹ. Công thức trên được thực hiện như sau: lấy 100 chia cho 5 được 20, lấy 20 nhân với 50.000 đô-la Mỹ bằng 1.000.000 đô-la Mỹ. Vì thế, nếu bạn cho vay trí tuệ của mình(vốn của bạn) với cùng tỷ lệ lãi suất cho vay của ngân hàng( 5%) thì trí tuệ của bạn đáng giá một triệu đô-la.
            Năng lực của trí tuệ nếu được quảng bá một cách hiệu quả sẽ là một hình thức vốn đáng mong muốn hơn nhiều so với lượng tiền bạc cần có thể tiến hành một thương vụ. Điều này hoàn toàn đúng với “bộ não” là một dạng vốn không bao giờ mất giá qua các thời kỳ suy thoái kinh tế và cũng không thể đánh cắp hay tiêu xài hết. Hơn nữa, số tiền cần thiết để kinh doanh nếu không được hòa quyện với năng lực trí tuệ thì cũng vô dụng như một đụn cát vậy.

31 NGUYÊN NHÂN CHÍNH DẪN ĐẾN THẤT BẠI

            Bi kịch lớn nhất của cuộc đời người là khi con người đã cố gắng tột độ nhưng vẫn thất bại. Bi kịch là ở chỗ những người thất bại chiếm đa số so với một số ít những người thành công.
            Tôi đã có cơ hội được phân tích trường hợp của vài ngàn người, chín mươi tám phần trăm trong số họ được xem là “thất bại”.
            Phân tích của tôi đã chứng minh rằng có ba mươi mốt nguyên nhân chính dẫn đến thất bại mười ba nguyên tắc chính giúp con người có thể tích lũy được những gia tài lớn(mười ba nguyên tắc ấy được trình bày lần lượt trong mỗi chương trong cuốn sách này). Ba mươi mốt nguyên nhân dẫn đến thất bại sẽ được liệt kê dưới đây. Khi bạn đọc chúng, hãy đối chiếu với bản thân, từng điểm một, để khám phá xem có bao nhiêu nguyên nhân trong số đó đứng chắn giữa bạn với thành công.
1.     Những yếu tố di truyền bất lợi. Chúng ta có thể làm được rất ít nếu là người bẩm sinh đã thiếu năng lực trí tuệ. Đó là nguyên nhân duy nhất trong số ba mươi mốt nguyên nhân dẫn đến thất bại mà mỗi cá nhân không thể dễ dàng khắc phục. Triết lý thành công của tôi chỉ có thể đưa ra một phương pháp duy nhất giúp hạn chế điểm yếu này là qua sự trợ giúp của nhóm “Trí tuệ ưu tú”.
2.     Thiếu một mục đích rõ ràng trong cuộc sống. Không có hy vọng thành công cho một người không có một mục đích trung tâm hay là một mục tiêu rõ ràng để nhắm tới. Chín mươi tám trong số một trăm người tôi đã phân tích đều không có những mục tiêu như vậy. Có thể đây là nguyên nhân chính dẫn đến họ thất bại.
3.     Thiếu tham vọng lớn lao vượt trên những mơ ước tầm thường. Không có hy vọng nào cho những người quá thờ ơ không muốn vươn lên trong cuộc sống và những người không muốn trả một cái giá nào để thành công.
4.     Không được giáo dục đầy đủ. Đây là một điều bất lợi có thể khắc phục được tương đối dễ dàng. Kinh nghiệm đã cho thấy, những người được giáo dục tốt nhất thường là những người tự rèn luyện bản thân họ. Để trở thành một người có giáo dục, một mảnh bằng đại học là chưa đủ. Người có giáo dục là những người biết cách thu nhận bất cứ thứ gì họ muốn trong cuộc sống mà không xâm phạm đến quyền lợi của người khác. Người có giáo dục không nhất thiết phải có tất cả mọi kiến thức, nhưng họ biết áp dụng những kiến thức, nhưng họ biết áp dụng những kiến thức mà họ có được một cách kiên trì và hiệu quả. Bạn được trả công không chỉ cho những gì bạn biết mà bởi những điều bạn đã làm được nhờ những kiến thức đó.
5.     Thiếu sự nghiêm khắc với bản thân. Kỷ luật luật thông qua sự tự chủ. Điều đó có nghĩa là bạn phải kiểm soát được tất cả những tính cách tiêu cực của mình. Sự kiểm soát bản thân là việc khó nhất mà bạn phải thực hiện. Nếu bạn không chế ngự được bản thân, bạn sẽ bị chính bản thân mình chế ngự. Bạn có thể nhìn thấy cùng một lúc người bạn thân nhất và cả kẻ thù lớn nhất của chính mình khi đứng trước một tấm gương.
6.     Sức khỏe kém. Không người nào có thể đạt được những thành công vượt trội trong cuộc sống nếu không có sức khỏe tốt. Nhiều nguyên nhân dẫn đến sức khỏe kém là do không biết kiểm soát và tự chủ bản thân. Một trong những nguyên nhân chính:
-        Ăn quá nhiều những thức ăn không có lợi cho sức khỏe.
-        Những thói quen suy nghĩ lệch lạc và tiêu cực.
-        Tình dục không đúng cách và quá lạm dục tình dục.
-        Không thường xuyên tập luyện thể dục không đúng cách.
-        Không có đủ không khí trong lành vì hít thở không đúng cách.
7.     Có một tuổi thơ không lành mạnh. “Gần mực thì đen gần đèn thì sáng”. Phần lớn những người phạm tội đều xuất thân từ một môi trường không tốt và có những mối quan hệ không lành mạnh trong đời thơ ấu của họ.
8.     Sự do dự. Đây là một trong những nguyên nhân phổ biến nhất dẫn đến thất bại. Do dự luôn nấp dưới cái bóng của mỗi người, chờ thời cơ để làm hỏng cơ hội thành công của bạn. Phần đông mọi chúng ta phải sống một cuộc đời thất bại chỉ vì chúng ta luôn đang chờ đợi một “thời điểm thích hợp” để bắt tay vào làm điều gì đó đáng phải làm. Đừng chờ đợi. Không có thời điểm nào là “thích hợp” nhất để thực hiện ý tưởng của bạn. Hãy bắt đầu từ ngay chỗ bạn đang đứng và làm việc với bất cứ công cụ nào bạn có trong tay, rồi bạn sẽ tìm thấy những công cụ tốt hơn trên đường đến thành công.
9.     Thiếu kiên trì. Phần đông chúng ta là những người “xuất phát” giỏi nhưng lại là người “về đích” tồi trong việc mà chúng ta làm. Con người hay muốn bỏ cuộc ngay lúc nhìn thấy dấu hiệu đầu tiên của thất bại. Không gì thay thế được lòng kiên trì. Người coi kiên trì là phương châm sống của họ đã phát hiện ra rằng “thất bại”cuối cùng cũng trở nên mệt mỏi và bỏ cuộc. Thất bại không thể đương đầu được với lòng kiên trì.
10.  Tính cách tiêu cực. Không có hy vọng thành công cho những người làm người khác khó chịu vì tính cách tiêu cực của họ. Thành công đến qua việc áp dụng sức mạnh và sức mạnh được tạo thành qua nỗ lực hợp tác với những người khác. Một tính cách tiêu cực không thể đem lại sự hợp tác.
11.  Không kiểm soát được những ham muốn tình dục. Năng lượng tình dục là tác nhân kích thích mạnh mẽ nhất làm cho con người ta vận động. Bởi vì đó là những cảm xúc mãnh liệt nhất nên được kiểm soát, những cảm xúc đó sẽ được chuyển hóa thành những suy nghĩ và hành động sáng tạo.
12.  Khát khao không kiểm soát được nhằm “đạt được một cái gì đó mà không phải trả giá”. Máu cờ bạc đã làm cho nhiều người thất bại. Bằng chứng của điều này có thể được tìm  thấy trong vụ sụp đổ thị trường chứng khoán 1929. Thời điểm đó, hàng triệu người đã cố gắng kiếm tiền bằng cách đánh cược vào lợi nhuận cổ phiếu.
13.  Thiếu sự quyết định rõ ràng. Những người thành công thường đi đến quyết định rất nhanh chóng và thay đổi nó rất chậm. Còn những người thất bại thường có quyết định rất chậm đồng thời thường xuyên và mau chóng thay đổi nó. Thiếu quyết đoán và chần chừ là hai anh em sinh đôi. Khi ta thấy người này, ta cũng thường thấy kẻ kia. Hãy tiêu diệt bộ đôi này trước khi chúng đẩy bạn vào guồng quay của sự thất bại.
14.  Một hay nhiều hơn sáu nỗi sợ hãi căn bản (sợ đói nghèo, sợ bị chỉ trích, sợ sức khỏe yếu, sợ mất tình yêu, sợ tuổi già và sợ cái chết). Những nỗi sợ hãi này sẽ được phân tích sâu trong chương cuối cùng. Chúng phải được kiểm soát trước khi bạn có thể phát huy hết năng lực cá nhân một cách hiệu quả.
15.  Sai lầm khi chọn bạn đời. Đây là lý do phổ biến nhất của thất bại. Quan hệ hôn nhân mang đến cho người sự tiếp xúc thân mật. Nếu mối quan hệ này không được hòa hợp thì thất bại thường tiếp nối theo sau. Hơn nữa, nó sẽ là một dạng thất bại phá hủy tất cả khát vọng vươn lên trong cuộc sống.
16.  Sự thận trọng thái quá. Người không tận dụng cơ hội nói chung phải nhận lấy những gì còn sót lại trong khi người khác đã chọn xong. Sự thận trọng quá mức cũng tệ hại như sự bất cẩn. Cả hai đều là trạng thái cực đoan cần tránh. Cuộc đời bản thân nó đầy những cơ hội cho bạn tận dụng.
17.  Lựa chọn sai đối tác kinh doanh. Đây là một trong những  nguyên nhân phổ biến nhất của thất bại trong kinh doanh. Trong quá trình quảng bá năng lực cá nhân, bạn cần phải rất chú trọng đến việc lựa chọn một người sếp biết truyền cảm hứng cho nhân viên, thông minh và thành đạt. Chúng ta phải thi đua với người mà chúng ta hợp tác chặt chẽ nhất. Hãy chọn lấy một người xứng đáng để tranh đua.
18.  Sự mê tín và định kiến. Mê tín là một dạng của sự sợ hãi. Nó cũng là dấu hiệu của sự ngu dốt. Những người thành đạt luôn suy nghĩ phóng khoáng và không sợ điều gì cả.
19.  Chọn sai nghề. Không ai có thể thành công ở lĩnh vực mà anh ta không thích. Bước thiết yếu trong việc quảng bá năng lực cá nhân là lựa chọn một nghề nghiệp mà bạn có thể toàn tâm toàn ý cống hiến vì nó. Có thể tiền bạc và hoàn cảnh khiến bạn phải làm một điều gì đó trong một thời gian nhưng không ai có thể ngăn bạn phát triển một kế hoạch để biến mục tiêu của mình thành hiện thực.
20.  Thiếu tập trung nỗ lực. Nghề gì cũng biết thì không có nghề nào giỏi cả. Hãy tập trung tất cả những nỗ lực của bạn vào một mục tiêu xác định duy nhất. “Nhất nghệ tinh, nhất thân vinh”.
21.  Thói quen tiêu xài bừa bãi. Bạn không thể thành công nếu bạn luôn luôn sống trong nỗi sợ hãi nghèo khó. Hãy hình thành thói quen dành dụm có hệ thống bằng cách trích ra một phần nào đó trong thu nhập của bạn. Tiền gửi ngân hàng tạo cho bạn sự an tâm khi “mặc cả” để “bán” năng lực bản thân. Không có tiền, bạn phải chấp nhận và buộc lòng nhận lấy tất cả những gì được đề nghị.
22.  Thiếu nhiệt tình. Nếu không có nhiệt tình thì một người không thể thuyết phục được người khác. Hơn nữa, sự nhiệt tình rất dễ truyền từ người này sang người khác. Những người có lòng nhiệt tình và biết kiểm soát được nó luôn được đón chào nồng nhiệt trong bất cứ tập thể nào.
23.  Sự hẹp hòi. Người có quan điểm quá cứng nhắc không thể tiến xa trong cuộc sống. Hẹp hòi nghĩa là không chịu học hỏi để mở rộng nhận thức. Dạng tai hại nhất của hẹp hòi là những định kiến liên quan đến tôn giáo, chủng tộc và các quan điểm chính trị.
24.  Không điều độ. Những hình thức tai hại và nguy hiểm nhất của sự không điều độ liên quan đến vấn đề ăn uống, nhậu nhẹt, ma túy và sinh hoạt tình dục. Sự lạm dụng bất cứ điều gì kể trên đều cản trở con đường đến thành công của bạn.
25.  Không có khả năng hợp tác với mọi người. Nhiều người đã mất vị trí và những cơ hội của họ trong cuộc đời vì lỗi lầm này hơn bất kỳ lý do nào khác cộng lại. Đây là sai lầm mà không nhà kinh doanh và lãnh đạo có kiến thức nào tha thứ.
26.  Việc sở hữu những tiềm lực mà không nhờ vào nỗ lực cá nhân (Con cái của những bậc phụ huynh giàu có và những người được hưởng những khoản tiền mà họ không tự mình làm ra). Tiềm năng nằm trong tay những người không tự đấu tranh để đạt được nó luôn cản trở con đường dẫn đến thành công. Giàu xổi còn nguy hiểm hơn đói nghèo.
27.  Không trung thực một cách chủ ý :Không có gì thay thế được sự thành tâm. Bạn  có thể không trung thực ở một thời điểm nhất định do hoàn cảnh  không kiểm soát được mà không gây ra những thiệt hại lâu dài. Nhưng không có hy vọng cho những người tự chọn cách sống không thành thật. Sớm hay muộn gì lối sống này cũng sẽ ngấm sâu vào máu và họ sẽ phải trả giá khi mất hết danh tiếng và thậm chí có thể cả sự tự do nữa.
28.  Tính tự cao tự đại. Những tính xấu này là đèn đỏ cảnh báo những người khác nên tránh xa. Tính tự cao tự đại rất có hại đối với thành công của con người.
29.  Đoán mò thay vì suy nghĩ. Phần lớn người ta thường quá thờ ơ hay lười biếng trong việc tìm kiếm những dữ kiện thực tế để qua đó giúp suy nghĩ một cách đúng đắn. Họ thích hành động theo ‘những ý kiến” được tạo ra từ việc suy đoán hay đánh giá nhất thời.
30.  Thiếu vốn. Đây là nguyên nhân thất bại phổ biến nhất của những người mới lần đầu khởi nghiệp kinh doanh. Bạn cần có đủ lượng vốn dự trữ cần thiết để đền bù thiệt hại gây ra từ những sai lầm của bạn, giúp bạn đứng vững cho đến lúc thành danh.
31.  Ở vị trí này, bạn hãy nêu tên bất cứ nguyên nhân cá biệt nào dẫn đến thất bại nhưng không có trong danh sách trên.
            Ba mươi mốt nguyên nhân thất bại chính giải thích một cách thực tế tại sao nhiều người đã rất cố gắng nhưng vẫn thất bại. Sẽ rất hữu ích nếu bạn có thể thuyết phục ai đó biết rõ bạn cùng đọc qua danh sách này. Họ sẽ giúp bạn phân tích bản thân trên cơ sở so sánh với từng nguyên nhân trên. Phần đông con người chúng ta không thể thấy bản thân mình theo cách người khác nhìn nhận về chúng ta. Bạn có thể là một trong số đó.

BẠN CÓ BIẾT GIÁ TRỊ CỦA BẢN THÂN?

            Có một lời khuyên xưa cũ: “Con người, hãy hiểu rõ bản thân mình!”. Nếu bạn muốn tiếp thị hàng hóa thành công, bạn phải hiểu loại hàng hóa đó. Quảng bá sức lao động cá nhân cũng vậy, bạn phải biết tất cả những điểm yếu của mình để có thể khắc phục hoặc xóa bỏ nó hoàn toàn. Bạn phải biết điểm mạnh của mình để nhấn mạnh vào nó khi quảng bá năng lực cá nhân. Bạn chỉ có thể hiểu được bản thân qua sự phân tích một cách chính xác.
            Sau đây là câu chuyện về một người trẻ tuổi đi xin việc. Anh ta đã gây ấn tượng rất tốt cho tới khi người giám đốc hỏi đến mức lương mà anh ta mong đợi. Anh ta trả lời rằng anh ta không có con số cụ thể nào cả (thiếu một mục tiêu rõ ràng). Người giám đốc bèn nói: “Chúng tôi sẽ trả lương xứng đáng với năng lực của của anh ta sau khi anh thử việc ở đây một tuần”.
            “Tôi sẽ không chấp nhận điều này”, người xin việc trả lời, “bởi vì tôi xứng đáng được hưởng nhiều hơn chỗ mà tôi đang làm việc”.
            Câu chuyện này có vẻ hài hước nhưng lại nói lên một vấn đề rất nghiêm túc. Ngay trước khi bạn đàm phán để có được mức lương cao hơn vị trí hiện tại của bạn hay tìm một việc làm khác, hãy chắc chắn là bạn đang đánh giá nhiều hơn những gì bạn đang được hưởng.
            Ham muốn tiền bạc thì ai cũng có, nhưng giá trị thật sự lại là một vấn đề hoàn toàn khác. Nhiều người nhầm tưởng những gì họ muốn chính là những gì họ đáng được hưởng thụ. Nhu cầu kinh tế không liên quan gì đến giá trị của bạn cả. Giá trị của bạn được hình thành hoàn toàn do khả năng làm được những công việc hữu ích và thuyết phục những người khác cùng làm những công việc như vậy.

HÃY KHÁM PHÁ BẢN THÂN

            Phân tích khả năng bản thân hàng năm là điều rất cần thiết trong việc tiếp thị năng lực cá nhân một cách có hiệu quả, cũng giống như việc kiểm kê hàng hóa hàng năng vậy. Hơn nữa, bản phân tích hàng năm nên cho thấy những sai lầm đã giảm dần và những ưu điểm ngày càng tăng lên. Bản phân tích sẽ thể hiện bạn đang tiến lên, dừng lại hay thụt lùi trong cuộc sống. Mục tiêu của bạn đương nhiên của bạn là tiến lên phía trước. Phân tích bản thân hàng năm cho thấy bạn tiến bộ như thế nào, với mức độ ra sao, cũng như chỉ ra những bước thụt lùi mà bạncó thể mà bạn đã mắc phải. Quảng bá năng lực cá nhân hiệu quả đòi hỏi bạn phải tiến lên phía trước, cho dù quá trình đó có chậm đi chăng nữa.
            Bản phân tích cá nhân hàng năm của bạn nên được làm vào mỗi dịp cuối năm để bạn có thể thêm vào hướng giải quyết trong năm mới đối với những vấn đề cần cải thiện mà bản phân tích đã đề xuất. Hãy khám phá bản thân bằng cách tự hỏi mình bằng những câu hỏi sau đây và kiểm tra những câu trả lời của bạn với một sự trợ giúp của một người khác, không để bạn tự  đánh lừa chính bản thân mình.

NHỮNG CÂU HỎI ĐỂ BẠN TỰ PHÂN TÍCH VÀ TÌM HIỂU BẢN THÂN

1.     Tôi đã giành được mục tiêu mà tôi đặt ra trong năm nay chưa? (Bạn nên làm việc với một mục tiêu hàng năm rõ ràng như là một phần trong mục đích của cả cuộc đời bạn.)
2.     Tôi đã làm việc với chất lượng tốt nhấttrong khả năng của mình chưa, hay tôi có thể làm tốt hơn ở một phần nào đó của công việc này không?
3.     Tôi đã làm việc với số lượng nhiều nhất mà khả năng tôi có thể thực hiện hay chưa?
4.     Thái độ làm việc của tôi có thật sự hòa nhã và hợp tác với mọi người trong mọị lúc không?
5.     Tôi có cho phép thói quen chần chừ làm giảm năng suất làm việc của mình hay không, và nếu có thì ở mức độ nào?
6.     Tôi đã hoàn thiện nhân cách của mình chưa, và nếu có thì theo cách nào?
7.     Tôi đã kiên trì theo đuổi kế hoạch cho đến lúc hoàn thành chưa?
8.     Tôi đã quyết tâm một cách nhanh chóng và rõ ràng trong mọi tình huống chưa?
9.     Tôi có cho phép bất cứ nỗi sợ nào trong sáu nỗi sợ căn bản làm giảm hiệu suất làm việc của tôi hay không?
10.  Tôi có quá cẩn trọng, hay quá bất cẩn không?
11.  Quan hệ của tôi với đồng nghiệp có thoải mái và dễ chịu hay không? Nếu không, thì lỗi lầm đó hoàn toàn thuộc về tôi hay chỉ một phần nào đó thôi?
12.  Tôi có phung phí năng lượng của mình do thiếu tập trung nỗ lực hay không?
13.  Tôi có sẵn sàng tiếp thu những cái mới và bao dung với mọi vấn đề hay không?
14.  Tôi đã làm cách nào để phát triển khả năng làm việc của bản thân?
15.  Tôi có lạm dụng bất cứ thói quen cá nhân nào hay không?
16.  Tôi có biểu lộ, dù công khai hay âm thầm, bất cứ dấu hiệu nào của tính tự cao tự đại hay không?
17.  Thái độ và cách cư xử đối với đồng nghiệp có làm cho họ tôn trọng tôi hay không?
18.  Những ý kiến và quyết định của tôi với đồng nghiệp có làm cho họ tôn trọng tôi hay không?
19.  Tôi có thói quen tiết kiệm thời gian, tiền bạc hay không? Và tôi có thận trọng trong việc chi tiêu những khoản tiết kiệm đó?
20.  Tôi đã dành ra bao nhiêu thời gian cho những nỗ lực vô ích mà tôi có thể dành cho những cái khác có ích hơn?
21.  Làm sao tôi có thể tái phân bố lại thời gian và thay đổi những thói quen của mình để có thể làm việc hiệu quả hơn trong những năm sắp tới?
22.  Tôi có làm việc gì tội lỗi khiến lương tâm mình bị cắn rứt không?
23.  Tôi đã làm việc nhiều hơn và tốt hơn so với những gì tôi được trả như thế nào?
24.  Tôi có đối xử bất công với ai không, và nếu có thì là theo cách nào?
25.  Nếu tôi là người bỏ tiền ra để mua chính khả năng làm việc của mình, tôi có hài lòng với quyết định mua đó không?
26.  Tôi đã chọn đúng nghề chưa, và nếu chưa thì tại sao?
27.  Người đã bỏ tiền ra để có được năng lực làm việc của tôi có hài lòng với những gì tôi đã làm không, và nếu không thì tại sao?
28.  Hiện tôi có những phẩm chất gì trong những phẩm chất cơ bản dẫn đến thành công? (Hãy thực hiện sự đánh giá này một cách công bằng, thẳng thắn và hãy nhờ ai đó đủ dũng cảm để kiểm tra lại một cách chính xác).
            Sau khi đọc hết cuốn sách và thấu hiểu tất cả những kiến thức được cung cấp trong chương này, bạn sẽ sẵn sàng để tạo ra một kế hoạch thực tế quảng bá khả năng làm việc của mình. Bạn sẽ tìm thấy trong chương này những mô tả đầy đủ về mọi nguyên tắc cần thiết trong việc lên kế hoạch tiếp thị năng lực cá nhân. Những nguyên tắc này bao gồm những thuộc tính chủ yếu của sự lãnh đạo, những nguyên nhân phổ quát nhất dẫn đến thất bại trong lãnh đạo mới, những nguyên nhân chính dẫn đến thất bại trong tất cả các ngành nghề và những câu hỏi quan trọng để tự phân tích bản thân.
            Sở dĩ, cuốn sách trình bày chi tiết và trên phạm vi rộng như vậy là do những kiến thức đó sẽ rất cần thiết cho bạn nếu như bạn bắt đầu làm giàu bằng cách “rao bán” năng lực cá nhân. Những người đã mất đi của cải và những người mới bắt đầu kiếm tiền đều không có gì ngoài năng lực cá nhân để đổi lấy tiền bạc. Vì vậy, sẽ rất hữu ích nếu bạn có những kiến thức chính xác và thiết thực để “tiếp thị” sức lao động của mình một cách thuận lợi nhất.
            Thấu hiểu và cảm nhận sâu sắc hết những kiến thức trên không những sẽ giúp bạn quảng bá năng lực cá nhân mà còn giúp bạn biết cách phân tích tốt hơn khi cần đánh giá người khác. Những kiến thức trên sẽ là vô giá đối với bạn nếu như bạn là một giám đốc điều hành luôn phải tuyển dụng nhân viên.

“PHÉP MÀU” MANG ĐẾN SỰ GIÀU CÓ VÀ TỰ DO

Chúng tôi thường nghe những nhà chính trị tuyên bố về quyền tự do của người Mỹ khi họ ra tranh cử nhưng hiếm khi họ dành thời gian hay công sức để phân tích nguồn gốc của quyền tự do công sức để phân tích nguồn gốc của quyền tự do ấy. ở đây, tôi muốn giúp bạn phân tích thẳng thắn về một sức mạnh bí ẩn, trừu tượng và thường bị hiểu lầm đó.
            Tôi có quyền được phân tích nguồn gốc và tính chất của sức mạnh vô hình này bởi tôi biết rằng trong hơn nửa thế kỷ qua, nhiều người đã biết cách tổ chức sức mạnh ấy và hiện nhiều người đang có trách nhiệm duy trì nó.
            Tên của nguồn gốc sức mạnh bí ẩn ấy của loài người là vốn!
            Vốn không chỉ là tiền mà còn là một nhóm những người có trí tuệ được tổ chức tốt. Họ lên kế hoạch để đưa ra các cách thức và phương tiện nhằm sử dụng tiền bạc một cách hiệu quả vì lợi ích của cộng đồng cũng như cá nhân họ.       
          Những nhóm người này bao gồm các nhà khoa học, nhà giáo dục, nhà khoa học, nhà phát minh, chuyên gia phân tích kinh doanh, nhà báo, chuyên gia vận tải, kế toán, luật sư, bác sĩ và tất cả những ai có kiến thức chuyên môn sâu sắc trong tất cả mọi lĩnh vực liên quan đến kinh doanh và công nghiệp. Họ đi tiên phong, thử nghiệm và đặt nền móng cho những lĩnh vực mới đòi hỏi sự nỗ lực. Họ tài trợ và giúp đỡ các trường học, bệnh viện, xây dựng những con đường tốt, xuất bản những tờ báo, chi trả phần lớn các chi phí của chính phủ, quan tâm đến những khía cạnh nhỏ nhưng cần thiết trong quá trình phát triển của con người.
            Tiền bạc không đi kèm với trí tuệ luôn rất nguy hiểm. Nhưng nếu được sử dụng một cách hợp lý thì nó lại là yếu tố quan trọng nhất của xã hội văn minh.
            Để có thể thấy tầm quan trọng của nguồn vốn được tổ chức tốt, hãy cố gắng tưởng tượng rằng bản thân bạn phải cung cấp và chuẩn bị một bữa sáng đơn giản cho gia đình mình nhưng lại không có chút vốn nào trong tay.
            Để cung cấp trà, bạn phải thực hiện một chuyến đi đến Trung Quốc hay Ấn Độ, cả hai đều rất xa nước Mỹ. Trừ khi bạn là một tay bơi rất giỏi, bạn sẽ kiệt sức trước khi có thể thực hiện được chuyến về. Sau đó, một vấn đề khác có thể sẽ làm bạn gặp rắc rối. Bạn sẽ làm gì để có tiền ngay cả khi bạn có sức khỏe để bơi xuyên đại dương?
            Để cung cấp đường, bạn phải bơi theo một lộ trình khác đến Cuba, đến các đảo ở Caribê hay đi bộ đến khu trồng củ cải đường ở Utah. Nhưng ngay cả như vậy, thì sau đó bạn cũng có thể sẽ phải quay về mà không có đường bởi những nỗ lực và tiền bạc cần thiết để sản xuất đường đều không nói lên được điều gì cả. Những điều đó không đủ để tinh lọc, vận chuyển và phân phối đường đến bất cứ bàn điểm tâm nào trong biên giới nước Mỹ.
            Trứng, bạn có thể có được dễ dàng từ những trang trại gần đó, nhưng bạn phải đi bộ một quãng đường rất dài đến Florida hoặc California và quay về để phục vụ nước nho ép.
            Bạn sẽ phải đi một quãng đường dài đến Kansas hay các tiểu bang trồng lúa mạch khác khi bạn muốn làm bánh mì.
            Ngũ cốc khô cũng có thể bị loại ra khỏi thực đơn vì nó sẽ không có sẵn nếu không có công sức lao động của những công nhân được đào tạo cùng những máy móc phù hợp, tất cả đều đòi hỏi phải có vốn.
            Sau khi nghỉ ngơi, bạn sẽ phải tiếp tục bơi một đoạn đường ngắn xuống Nam Mỹ, nơi bạn có thể nhặt lấy vài quả chuối. Trên đường về, bạn sẽ đi bộ một quãng ngắn đến trại sản xuất bơ sữa gần nhất và mang về một ít bơ và kem. Sau khi làm hết những việc đó, gia đình của bạn mới có thể sẵn sàng ngồi xuống và dùng bữa sáng.
            Nghe có vẻ như ngớ ngẩn và lố bịch, đúng không? Vâng, nhưng sự thật, quá trình vừa mới được nói đến ở trên là cách duy nhất để những loại thức ăn đơn giản đó đến được với chúng ta nếu ta không có vốn.

NỀN TẢNG VÀ VỐN ĐẦU TƯ TRONG CUỘC SỐNG CHÚNG TA

            Tổng số tiền cần thiết cho việc xây dựng và bảo trì hệ thống giao thông bao gồm máy bay, xe tải, tàu hỏa và tàu thủy dùng để vận chuyển bữa sáng đơn giản đó đến với chúng ta vượt quá sức tưởng tượng của con người. Con số đó vào khoảng hàng tỉ đô-la, không tính đến cả “binh đoàn” những nhân viên được đào tạo để vận chuyển chỉ là một phần trong xã hội hiện đại của nước Mỹ đòi hỏi phải có vốn đầu tư. Trước khi có được cái gì đó để chuyên chở, phải có cái gì đó mọc lên từ mặt đất, cái gì đó được sản xuất và chuẩn bị đem bán ra thị trường. Có được cái đó đòi hỏi hàng tỉ đô-la đầu tư cho trang thiết bị, máy móc, đóng gói, tiếp thị, và lương bổng cho hàng triệu người.
            Hệ thống giao thông không thể tự mọc lên từ dưới đất và tự hoạt động. Nó xuất hiện để đáp ứng nhu cầu của xã hội. Hệ thống ấy được điều hành qua sức lao động, sự khéo léo và khả năng tổ chức của người có óc tưởng tượng, niềm tin, sự nhiệt tình, tính kiên quyết và lòng kiên trì. Những người đó chính là các nhà tư bản. Họ được thúc đẩy bởi khát khao xây dựng, hoàn tất và cung cấp những dịch vụ hữu ích qua đó kiếm lời và tích lũy tiền bạc. Và bởi vì họ cung cấp những dịch vụ mà xã hội văn minh không thể thiếu, họ đã tích lũy được khoản tài sản khổng lồ.
            Để cho những thông tin ở trên trở nên đơn giản và dễ hiểu, tôi bổ sung thêm rằng những nhà tư bản này chính là những người bình thường bị lên án là “một nhóm những kẻ tham lam” hay còn gọi là “Phố wall”.
            Tôi không cố đưa ra một trường hợp ủng hộ hay chống lại bất cứ một tổ chức hay một hệ thống kinh tế nào. Mục đích của cuốn sách này – một mục đích mà tôi đã cống hiến hết lòng vì nó trong hơn nửa thế kỷ - là giới thiệu cho những người thật sự ham hiểu biết một triết lý đáng tin cậy nhất để qua đó những cá nhân có thể tích lũy được bất cứ khoản tiền nào mà họ khát khao.
            Tôi đã phân tích ở đây những lợi ích kinh tế của hệ thống tư bản chủ nghĩa vì những lý do sau:
1.     Để chỉ ra rằng tất cả những người tìm kiếm sự giàu có phải nhận ra và tự thích nghi họ với hệ thống hiện đang kiểm soát tất cả những cách thức dẫn đến của cải, dù lớn hay nhỏ.
2.     Để trình bày cho các bạn thấy mặt bên kia của bức tranh tư bản chủ nghĩa đối lập với mặt vẫn thường được các chính trị gia, những kẻ mị dân và giới truyền thông tô vẽ. Họ thường nhắc tới việc tập hợp và tổ chức lại nguồn vốn để sinh lời như một cái gì đấy độc hại.
            Chỉ có một phương pháp đáng tin cậy để tích lũy và giữ gìn của cải một cách hợp pháp, đó là làm những việc hữu ích. Không có hệ thống nào được thiết lập mà ở đó người ta có thể trở nên giàu có một cách hợp pháp mà chỉ qua những con số mà không phải đánh đổi bằng một giá trị tương đương dưới dạng này hay dạng khác.







Tính tự mãn như một màn sương mù che phủ những phẩm chất thực của một con người khỏi tầm nhận thức của anh ta. Tự mãn làm yếu đi năng lực bẩm sinh và làm tăng thêm sự do dự.










2 nhận xét:

  1. KHÁT VỌNG KẾT TINH

    THÀNH HÀNH ĐỘNG

    Bước làm giàu thứ sáu


    Bạn biết mọi thứ do con người tạo ra hay có được đều bắt đầu dưới hình thức của một khát vọng. Khát vọng đó chỉ là giai đoạn trong chuyến đi du hành từ cái trừu tượng đến cái cụ thể.Những kế hoạch giúp chuyển cái trừu tượng đến cái cụ thể đó được thực hiện trong xưởng làm việc của trí tưởng tượng.
    Trong Chương 1, bạn đã được hướng dẫn thực hiện sáu bước làm giàu rất rõ ràng và thực tế giúp biến khát vọng thành tiền bạc. Một trong những bước này là sự hình thành của một hay nhiều kế hoạch để thực hiện bước chuyển hóa trên.

    http://www.phanngocloi.com/2016/07/nghi-giau-lam-giau-chuong-6-lap-ke-hoach.html

    Trả lờiXóa
  2. KHÁT VỌNG KẾT TINH

    THÀNH HÀNH ĐỘNG

    Bước làm giàu thứ sáu


    Bạn biết mọi thứ do con người tạo ra hay có được đều bắt đầu dưới hình thức của một khát vọng. Khát vọng đó chỉ là giai đoạn trong chuyến đi du hành từ cái trừu tượng đến cái cụ thể.Những kế hoạch giúp chuyển cái trừu tượng đến cái cụ thể đó được thực hiện trong xưởng làm việc của trí tưởng tượng.
    Trong Chương 1, bạn đã được hướng dẫn thực hiện sáu bước làm giàu rất rõ ràng và thực tế giúp biến khát vọng thành tiền bạc. Một trong những bước này là sự hình thành của một hay nhiều kế hoạch để thực hiện bước chuyển hóa trên.

    http://www.phanngocloi.com/2016/07/nghi-giau-lam-giau-chuong-6-lap-ke-hoach.html

    Trả lờiXóa